Chu kì lột xác của tôm thẻ chân trắng

 Tôm có lớp vỏ kitin giàu canxi bao bọc bên ngoài cơ thể tạo thành một khung xương chắc chắn bảo vệ cho các cơ quan bên trong. Tuy nhiên, đến một giai đoạn nhất định, tôm sẽ bắt đầu lột xác (tức là lột bỏ lớp vỏ cũ) tạo điều kiện cho cơ thể phát triển, đây là một trong những điểm sinh lý đặc trưng của tôm nuôi.

Chu kỳ lột xác ở tôm thẻ chân trắng là gì?

Như đã nói ở trên, chu kỳ lột xác là một điểm đặc trưng của loài tôm thẻ chân trắng và được lặp đi lặp lại trong suốt vòng đời của chúng. Tuy vậy, tùy theo từng giai đoạn khác nhau mà tôm thẻ có quá trình lột xác diễn ra khác nhau. Ví dụ: Đối với tôm thẻ giống mới thả (tôm post) thì quá trình lột xác của tôm sẽ diễn ra nhiều lần và thời gian của mỗi lần lột xác sẽ ngắn. Ngược lại, khi tôm có kích thước lớn hơn thì quá trình lột xác sẽ diễn ra ít hơn với thời gian của mỗi lần lột xác kéo dài hơn.
 
Tôm thẻ chân trắng sau khi lột xác. Ảnh minh họa.
 
Cụ thể hơn, dưới đây là chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng theo từng giai đoạn:

a) Quá trình lột xác của tôm thẻ chân trắng diễn ra như thế nào?

Khi tôm bắt đầu bước vào giai đoạn lột xác, lớp vỏ cũ giữa khớp đầu ngực và phần bụng sẽ nứt ra, tôm uốn cong cơ thể đưa các phần phụ của đầu ngực tôm ra trước, sau đó là phần bụng và các phần phụ phía sau.

b) Tôm thẻ chân trắng lột xác khi nào?

Thông thường, tôm thẻ chân trắng sẽ lột xác vào ban đêm, thời điểm từ 22h-2h sáng hôm sau. Những con tôm khỏe mạnh thì quá trình lột xác chỉ kéo dài khoảng 5-7 phút. Sau khi tôm lột vỏ, sức khỏe của tôm còn yếu và lớp vỏ kitin chưa hoàn thiện khiến tôm rất dễ bị nguy hiểm.

Tôm lột xác nhưng không cứng vỏ do dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Những yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm thẻ

Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, việc kích thích tôm lột xác đồng đều là điều bà con mong muốn. Song, để làm được điều đó, bà con cần nắm vững các kiến thức về dinh dưỡng, môi trường, và nhất là vấn đề dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chu kỳ lột xác của tôm nuôi như:

a) Chất khoáng và dinh dưỡng

Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm bị còi cộc và khó lột xác. Bởi khi đó tôm không được cung cấp đủ chất cần thiết để có thể đẩy lớp vỏ cũ. Trong đó, hàm lượng chất khoáng hòa tan trong ao cũng là yếu tố quan trọng giúp tôm lột xác đồng đều và tái tạo nhanh lớp vỏ mới. Thực tế cho thấy những ao nuôi tôm có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan càng cao và ngược lại. Vậy nên bà con cần lưu ý chủ động bổ sung thêm các chất khoáng cần thiết: Canxi, Photpho, men kích thích,… nếu ao nuôi có độ mặn thấp.

b) Quản lý thức ăn hợp lý

Cần quản lý thức ăn khi nuôi tôm thẻ, nếu cho tôm ăn quá ít thức ăn sẽ dẫn đến tôm suy dinh dưỡng, ngược lại nếu cho ăn quá nhiều thức ăn thừa sẽ khiến ao nuôi phú dưỡng dễ bùng phát tảo và khí độc. Do đó, trong tháng nuôi đầu có thể cho tôm ăn từ 8-10% tổng trọng lượng đàn tôm, các tháng tiếp theo cho ăn từ 5-7% và quan sát lượng thức ăn thừa trên sàng để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
 
Một điều khác cần lưu ý là khi chuyển đổi thức ăn, bà con nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ - mới và cho ăn ít nhất 3 ngày để tôm quen dần.

c) Quản lý môi trường nuôi

Môi trường nuôi không tốt sẽ ức chế tôm phát triển và lột xác. Trong đó, bà con cần chủ động điều chỉnh các yếu tố sau đây cho phù hợp:
 
- Oxy hòa tan: Trong chu kỳ lột xác của tôm thẻ, oxy hòa tan là yếu tố rất quan trọng. Thậm chí, lượng oxy cần thiết cho tôm nhiều gấp đôi bình thường. Do đó, khi thấy tôm có dấu hiệu lột xác bà con cần tăng cường hệ thống quạt, sục khí để bổ sung oxy hòa tan cho tôm. Luôn duy trì ở mức 4-6 mg/l trong suốt quá trình tôm lột xác.
 
- Độ mặn: Như đã nói ở trên, những ao nuôi có độ mặn càng cao sẽ có hàm lượng chất khoáng hòa tan càng cao. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng > 25‰ sẽ khiến vỏ tôm cứng hơn và kéo dài thời gian lột xác. Vậy nên, tốt nhất bà con cần nuôi tôm theo đúng thời vụ và duy trì độ mặn thích hợp.
 
- pH: Tôm lột xác trong khoảng pH từ 7-8,5 và tốt nhất 7.5-8. Vì thế, để pH ổn định bằng cách duy trì độ trong của nước từ 30-40cm.

d) Kiểm soát dịch bệnh

Tôm có thể bị chậm lột vỏ hoặc không lột vỏ nếu mắc phải một số bệnh như: nấm, đóng rong, đen mang, tôm còi,… Do đó, bà con có thể áp dụng các cách phòng bệnh tổng hợp như: quản lý chất lượng nước, ổn định tảo, đảm bảo oxy hòa tan,…

Video tôm lột xác như thế nào?





Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn