Kỹ thuật nuôi cá rô đồng thương phẩm trong ao đất

 Cá Rô đồng là loài cá bản địa thơm ngon được nhiều người dân ưa chuộng, đặc biệt món canh cá rô trong những buổi trưa hè. Trước đây loài cá này thường không được chú ý phát triển nuôi, ngày nay do nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi ngày càng nhiều và nuôi loài cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao trong thời gian ngắn. Chính vậy chúng tôi giới thiệu kỹ thuật nuôi cá Rô đồng thương phẩm để bà con cùng tham khảo.


1. Thiết kế ao nuôi

Ao có sẵn hay ao mới đào đều có thể cải tạo để nuôi cá. Diện tích ao tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, diện tích nên vừa phải để dễ dàng trong việc chăm sóc và quản lý ao nuôi. Có thể diện tích ao từ vài trăm mét vuông đến vài mẫu, nhưng tốt nhất diện tích khoảng 1000m2, độ sâu từ 1,5-2m.

1.1. Vị trí

– Gần nguồn nước sạch để dễ dàng khi thay nước và thêm nước trong quá trình nuôi.

– Không quá rợp để ao tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cho các sinh vật là thức ăn cho cá phát triển tốt và tránh lá cây rụng xuống ao làm thối nước ao ảnh hưởng đến cá nuôi.

– Giao thông thuận tiện

1.2. Bờ ao

– Bờ ao phải chắc chắn, không bị thất thoát nước, không để hang hốc và tránh để rô đồng vượt bờ, .

– Ao mới đào phải nện kỹ tránh sạt lở bờ.

– Bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong ao 0,3-0,5m bao lưới xung quanh ao hoặc xây tường, hoặc cắm ngói sông cầu loại, chiều cao lưới chắn khoảng 0,3-0,5m để tránh nước tràn bờ, cá thoát ra ngoài.

– Bờ ao không nên trồng nhiều cây có tán che phủ lớn vì các nguyên nhân sau:

– Lá cây rụng xuống ao nhiều sẽ làm hư nước, thối đáy ao. Một số lá cây có chứa tinh dầu như bạch đàn, cam, chanh… khi rớt xuống đáy ao nhiều có hiện tượng nước trong vắt và các động vật đáy không phát triển (giun, ốc, ấu trùng khác…).

– Tàn cây che rợp mặt ao ngăn cản ánh sáng và ánh nắng mặt trời chiều xuống ao làm cho nhiệt độ nước ao thấp, thức ăn tự nhiên của cá không phát triển trong ao được.

– Cây mọc rậm rạp tạo nơi ẩn nấp cho rắn, chuột là các loài sát hại cá trong ao.

1.3. Nước

Mực nước trong ao khoảng 1,2 đến 1,5m là tốt nhất. Ở mực nước này các sinh vật đáy là thức ăn tự nhiên dễ dàng phát triển. Nhiệt độ nước trong ao ít có sự chênh lệch ở tầng đáy và tầng mặt bảo đảm cho sự hoạt động và sinh trưởng của cá nuôi.

Nếu mực nước thấp (40-50cm) sẽ có tác hại sau:

– Nước ao dễ bị nóng khi trời nắng làm cá nuôi bị suy yếu, chậm phát triển.

– Nước cạn cây cỏ, rong trong ao và ở đáy ao cũng phát triển nhanh làm giảm lượng khí oxy hoà tan trong ao.

– Nước dễ bị ứ đọng, sình thối ở đáy làm môi trường sống của cá xấu đi.

– Mức nước nông không thể nuôi cá được với mật độ dầy khi cá lớn.

1.4. Đáy ao

– Nên bằng phẳng, dốc về một phía cống thoát để dễ tháo nước và thu hoạch cá. Độ bùn đáy ao nuôi công nghiệp nên để khoảng 15-20 cm là phù hợp.

– Đáy ao phải được nạo vét bùn hàng năm, không nên để quá dày, và không để bùn đen thối sẽ sinh nhiều khí độc. Mặc dù cá rô đồng có khả năng chịu đựng được môi trường bất lợi nhưng khi môi trường không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá nuôi. Ngoài ra bùn dầy còn tạo nơi cư trú cho các sinh vật gây bệnh cho cá.

2. Chuẩn bị ao và cải tạo ao

Ao cũ và ao mới muốn nuôi cá tốt đều phải làm tốt việc chuẩn bị ao.

– Trước khi thả cá ao phải được làm cạn nước, dọn sạch rong, cỏ và bắt hết cá tạp.

– San vét lớp bùn đáy (với ao cũ) không nên để lớp bùn đáy quá dày, tốt nhất còn 15-20cm.

– Sửa dọn bờ cho chắc chắn, lấp các hang hốc quanh ao.

– Bón vôi khắp đáy ao với lượng từ 7-10kg/100m2 ao để diệt các loại các tạp còn xót lại, diệt một số vi sinh vật gây bệnh cho cá và cải tạo nền đáy ao.

– Phơi đáy ao trong  vòng từ 3-4 ngày.

* Bón phân

Bón phân trong ao nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, Lượng phân bón tủy thuộc lượng mùn đáy ao. Đối với các ao gần khu vực chăn nuôi không nhất thiết phải bón thêm phân. Nên dùng phân lợn hoặc phân gia cầm. Không nên dùng phân trâu, bò vì lượng dinh dưỡng thấp và không tạo màu đẹp cho ao nuôi.

Lượng dùng:

+ Phân hữu cơ (gà, vịt, lợn…): 20-30kg/100m2.

+ Phân vô cơ (Urê, NPK): 0,3-0,5kg/100m2.

Phân vô cơ giúp cho màu nước xanh nhanh chóng nhưng chỉ nên sử dụng lân khi lấy nước vào ao và các trường hợp cần làm xanh nước vào ao và các trường hợp cần làm xanh nước khi nước quá trong.

* Lấy nước vào ao

– Sau khi phơi ao tiến hành lấy nước vào ao trước khi thả giống từ 2-3 ngày. Mực nước lấy vào ao khoảng từ 1,2-1,5m.

Lưu ý: Khi lấy nước vào ao phải qua lưới lọc để không cho cá tạp, cá dữ theo vào ao nuôi hại cá hoặc cạnh tranh thức ăn của cá nuôi.

3. Thả giống

Thời điểm thả giống tốt nhất đối với khu vực phía Bắc là từ tháng 3- 4 (Dương lịch)

– Giống: chọn mua giống từ những cơ sở có uy tín, con giống khoẻ mạnh, không xây xát, dị tật, dị hình, kích cỡ đồng đều.

– Mật độ thả: 30 – 40 con/m2 cỡ giống 500 – 700con/kg, Nếu ao được chuẩn bị kỹ có thể thả cá nhỏ hơn. Tuỳ theo mức độ đầu tư thức ăn và chế độ thay nước mà có thể chọn mật độ thả nuôi thích hợp.

Lưu ý: thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh thả cá vào những thời điểm nhạy cảm (nắng to, mưa rào…).

4. Thức ăn – Chăm sóc

– Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có bán trên thị trường có hàm lượng đạm và kích cỡ viên thức ăn phù hợp:

Trong tháng nuôi đầu dùng cám viên nổi có độ đạm 35-40%, cỡ viên <1mm, với lượng thức ăn từ 7-10% tổng trọng lượng cá/ngày.

Sang tháng nuôi thứ 2-3 dùng thức ăn viên nổi có độ đạm 30-35%, cỡ viên <2mm, với lượng thức ăn từ 5-7%.

Sang tháng nuôi thứ 4-5 dùng thức ăn viên nổi có độ đạm 25-30%, cỡ viên <2,5 mm

– Ngoài ra người nuôi có thể sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như tấm, cám, rau xanh, bột cá, cá tạp, … để chế biến thức ăn cho cá ăn. Thức ăn tự chế cũng cần đảm bảo hàm lượng đạm theo yêu cầu giai đoạn phát triển.

Cho cá ăn ngày 2 lần (sáng từ 8-9h, chiều từ 15-16h), nên quan sát  lượng thức ăn để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp tránh dư thừa thức ăn.

– Chăm sóc:

+ Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm ao nuôi.

+ Cần giữ nước ao luôn sạch bằng cách quản lý thức ăn tốt, khi thấy nước bẩn, cần thay nước từ 20-30% lượng nước trong ao.

+ Hàng ngày quan sát cá nuôi nếu thấy hiện tượng cá bệnh thì nhờ cơ quan chuyên môn hỗ trợ.

+ Kiểm tra cống, bờ ao và lưới bao xung quanh bờ ao, đầu mùa mưa dùng vôi bột (10kg/100m2) rải xung quanh bờ, hạn chế nước mưa xung quanh rửa trôi xuống ao.

+ Định kỳ 15 ngày một lần kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá về chiều dài và trọng lượng để điều chỉnh lượng thức ăn. Mỗi lần kiểm tra 30 con lấy giá trị trung bình.

5. Thu hoạch

Sau 4 – 5 tháng nuôi có thể thu hoạch, lúc này cá đạt cỡ từ 80g-100g/ con. Tháo cạn bớt nước dùng lưới thu cá sau đó tát cạn ao bắt nốt số cá còn sót lại.

Đối với cá Rô đồng nuôi ở khu vực phía Bắc thường bán được giá cao vào những tháng hè (do sở thích món canh cá rô) nên người nuôi cần lưu ý.

Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn